Truyện ngắn hay - Cơn mưa tháng ba
Lượt xem : |
Dedicated to V.A
Take care, brother.
Vào những ngày cuối tháng Ba, tôi nhận ra thời tiết ẩm ướt cuối cùng cũng kéo theo tâm trạng vốn đã đao đụt của tôi trở nên ngày càng thậm tệ. Cửa hàng bánh ngọt nơi tôi làm thêm bỗng trở nên đông đúc. Có lẽ không phải vì bánh ở đây đột nhiên trở nên ngon hơn, mà bởi ai cũng muốn kiếm cho mình một mảnh ngọt ngào trong không khí lạnh lẽo bủa vây. Cố nở những nụ cười không có thật suốt một ngày dài, kết cục khi cánh cửa đóng lại cùng tấm biển Closed treo hờ hững trên tay cầm, tôi ngồi bệt xuống một góc phía sau quầy thu ngân. Hai tay bó vào đầu gối, tôi gục mặt xuống bật khóc rưng rức, thấy trái tim mình vỡ tan tành như chiếc lọ sứ rơi từ tủ bếp mà chẳng ai kịp bắt, từng mảnh nhọn nằm chơ vơ dưới sàn gạch lạnh buốt.
Đó là tuần thứ ba sau khi bố tôi mất.
* * *
Căn bệnh ung thư được dự đoán sớm rằng sẽ không qua khỏi của bố tôi khiến cho mọi thứ dễ dàng hơn đôi chút, hoặc đơn giản chỉ là giống như một vụ cắt điện đã được báo trước. Mọi người có thời gian chuẩn bị cảm xúc cho một điều không còn là đột ngột. Tất nhiên, khi đèn phụt tắt, thứ gì đó giống như hụt hẫng vẫn xâm chiếm lấy từng góc nhỏ thừa thãi trong trái tim, lan dần rồi lan dần ra nữa, ngập tràn và để lại duy nhất bóng tối, trước khi bỏ đi nhanh như lúc nó đến. Một con người khác của tôi, từ lúc nào đó, đã quỵ gối xuống, co lại như cô bé bán diêm, câm lặng làm những hành động vô nghĩa để níu kéo chút ký ức mơ hồ còn sót lại. Nhưng, đó là một bản sao khác, còn cái con người của tôi khi đó chỉ có thể đứng lặng yên, nuốt những gì đáng ra chảy từ khoé mắt vào tim. Không phải vì tôi không muốn khóc, mà bởi tôi là bờ vai duy nhất để mẹ có thể tựa vào khi đó. Tôi mà ngã, chắc chắn mẹ sẽ ngã theo.
Chỉ ba ngày là mọi việc cần thiết đã được giải quyết ổn thỏa, thêm bốn ngày nữa để dọn dẹp những tàn dư sau một sự ra đi. Ngay tuần sau đó, tôi trở lại trường, quay lại công việc làm thêm quen thuộc, đi mua thật nhiều sách, uống nhiều nước, phóng sang Bát Tràng mỗi khi rảnh, nặn những bức tượng méo mó chẳng ra hình thù gì, chỉ để bàn tay có gì đó nắm lấy. Làm cho chính mình bận rộn là cách duy nhất khiến tôi không gục xuống và rơi vào bản ngã tưởng tượng kia, thứ đã không đứng lên nổi từ hôm bố mất.
Nhưng những điều đó không giúp ích được lâu, khi ôm lấy đầu gối và khóc nức nở đằng sau quầy thu ngân vào ngày hôm đó, tôi thấy mình thật đáng thương biết bao – giống như con rối bị tuột mất những chiếc dây từ người nghệ sĩ điều khiển nó – nằm im trên sàn diễn. An ôm những hộp bánh cất vào tủ kính, đóng chiếc máy tính tiền vẫn đang bỏ ngỏ lại, nhìn tôi thở dài:
- Đi ăn gì đó không?
Tôi không trả lời, hai tay run lên lẩy bẩy như người bị sốt rét, nước mắt thấm đẫm chiếc quần vải, tôi không biết mình trông tội nghiệp hay đáng sợ nữa. An ngồi xuống cạnh tôi, có lẽ cậu cũng chẳng biết nói gì để an ủi một người đã lột hết lớp vỏ bảo vệ ra từ khi nào.
- Xin lỗi – tôi thì thầm, tự nghe thấy giọng nói mình đang vỡ ra.
- Vì sao?
- Mình cũng không biết. Chắc vì đã để cậu thấy mình khóc.
- Ai chẳng phải khóc. Nhưng rồi, dẫu có khóc mãi hôm nay, ngày mai chúng ta vẫn phải đứng lên.
- Mình phải làm gì? Có vẻ như mình không chịu được nữa rồi.
An nhìn mái tóc đang bết lại trên trán tôi một cách tư lự, ánh mắt ẩn chứa sự cảm thông. Tiếng ồn ào ngoài phố dường như đã vãn đi. Tấm vải bạt quảng cáo trước cửa hơi nghiêng đi trước cơn gió mạnh, hắt vào ánh sáng mờ mờ từ những chiếc đèn đường vàng vọt. Có thể, đêm nay sẽ mưa, sau những ngày dài dồn nén. Một chút, rồi An nói:
- Thực tế, về mặt cảm xúc, mình không biết cậu nên làm gì. Chúng ta đã chơi với nhau quá lâu để có thể nói những câu an ủi sáo rỗng… Nhưng về mặt thể chất, mình biết cách để cậu không run nữa.
Tôi nhìn xuống đôi tay mình, chợt nhận ra nó vẫn rung lên không ngừng, tựa như một chiếc điện thoại kiên nhẫn chờ người bắt máy.
- Ngồi yên ở đây, chờ mình dọn nốt cửa hàng. Rồi chúng ta ra công viên – An nói.
- Làm gì ở đó?
- Chạy bộ.
Chúng tôi chạy cạnh nhau trong công viên, chẳng nói câu gì. Đôi giày bệt vốn chỉ thích hợp để di chuyển tại cửa hàng, thúc vào những đầu ngón chân tôi đau nhói. Cơn gió mát lạnh thổi lên từ mặt hồ yên ả, không gợi chút suy tư. Có lẽ khi mồ hôi chảy ra thành từng dòng ngay trong thời tiết ẩm ướt lại khiến tôi thấy nhẹ nhõm hơn, giống như một hình thức khóc không thành tiếng, tôi đẩy một thứ nước hữu hình ra khỏi cơ thể. Tôi cứ chạy hết sức, mặc cho những khớp ở chân nhức nhối, thả mình vào một vòng tròn không có đích mơ hồ để tìm cảm giác bình tĩnh. Tay tôi đã hết run thật. Một lúc lâu sau, khi ngồi xuống một ghế đá bên lề đường, tôi thở mạnh, như muốn hắt ra những vương vấn trong lòng.
- Khá hơn không? – An hỏi, đưa tôi chai nước lấy ra từ ba lô.
Tôi gật đầu, uống một ngụm rồi đưa lại cho cậu. Hai đứa lại im lặng một lúc lâu, ngắm những người qua lại trước mặt. Một người đàn ông trong bộ đồ thể thao chạy nhanh qua trước mặt, chú chó to bám theo phía sau hối hả. Nó chợt dừng lại, nhìn tôi chăm chú, hếch chiếc mũi lên như muốn đánh dấu vị trí của đường đua, của buổi tối yên ả. Sau phút lỡ nhịp, con chó lại kiên nhẫn vòng qua những người trước mặt đuổi theo người chủ, tạo thành những chiếc bóng cuốn vào nhau trong không gian tĩnh mịch.
- Mình có hai đứa bạn. Bố mẹ đều li dị.
An chợt nói, rồi cậu ngừng lại, như ngẫm nghĩ để tìm lời lẽ phù hợp. Những ngón tay gầy của An đan vào nhau, nửa bình thản nửa bối rối.
- Đại loại là chúng nó tự dưng chơi với nhau. Chơi một đợt rồi thì mới biết là bố mẹ cả hai đều chia tay từ khi chúng nó còn nhỏ. Cậu hiểu cái kiểu đó rồi đấy… Chả hiểu sao nhỉ? Cái này như một lực hút, những người có hoàn cảnh giống nhau, không hiểu sao cứ tự bị hút vào cuộc đời nhau một cách vô thức.
- Lúc mẹ cậu mất, cậu làm gì? – thấy An không nói gì thêm, tôi hỏi, mắt vẫn nhìn về phía trước.
- Mình cũng chả nhớ, khi đó nói chung là chưa có khái niệm gì nhiều về mọi thứ, nên chỉ nhớ là buồn, nhưng không nhớ làm gì để hết buồn. Có lẽ cũng chẳng làm gì. Nỗi buồn cứ thế biến mất thôi.
- Khi đó, cậu mấy tuổi nhỉ?
- Mười hai. Cậu biết đấy, lúc mười hai tuổi, chúng ta không suy nghĩ sâu xa về chuyện gì. Cứ sống thôi. Đến trường, đi chơi điện tử, đá bóng, rồi về nhà. Con gái thì đi ăn chè, đi mua sổ, mua thiếp. Nói chung làm những việc vô bổ, nhưng vui. Loanh quanh là lại hết năm.
- Đúng, những thứ vô bổ – tôi nhắc lại lời An, chẳng hiểu sao.
- Cậu biết đấy, những thứ như thế này cứ xảy ra, bất chấp chúng ta cảm thấy thế nào, muốn thế nào. Mình đọc ở đâu đó có người nói rằng hạnh phúc làm chúng ta nhỏ lại, chỉ có nỗi đau và mất mát mới khiến chúng ta lớn lên.
- Nếu thế, tớ chẳng bao giờ muốn lớn lên.
- Đó lại chẳng phải chuyện có thể tự quyết định được – An khịt mũi.
- Cậu nhớ mẹ không?
- Giờ thì không. Mình nghĩ, mẹ cũng chẳng muốn mình cứ mãi nhớ nhung buồn khổ. Mà từ lúc nào mình đã thành nhân vật chính của ngày hôm nay vậy?
- Cứ nói đi, mình thích nghe – tôi gượng cười.
An nhíu mày, rồi cậu cũng kể tôi dăm ba chuyện cá nhân khi đó. An có kiểu nói chuyện giật cục, không câu nào dài quá, cứ như thể một tờ giấy ăn bị xé vụn ra rồi vo tròn lại thành từng viên nhỏ, lăn lóc khắp nơi. Tuy thế, trong giọng nói của cậu có sự bình thản, giống như một người biết rõ những lời tiếp theo mình sẽ thổ lộ. Điều đó làm tôi nhớ tới bố. Những ngày cuối cùng khi nằm trên giường bệnh, mặc dù xanh xao và gầy tới mức không ai cầm được nước mắt nếu nhìn, bố tôi vẫn có thứ gì đó tuyệt đối an nhiên. Ông chìm vào giấc ngủ vật lý cả chục ngày trước khi mất. Thứ duy nhất thông báo sự tồn tại của ông chỉ là chiếc máy đo nhịp tim và huyết áp bíp bíp một cách đều đặn. Ngay cả khi đã hôn mê sâu, khuôn mặt ông vẫn ánh lên sự dịu dàng. Ông không mang trong mình sự buồn khổ uất ức nào, ra đi thanh thản tới mức dường như đó là một lẽ dĩ nhiên. Một đêm, khi bật dậy giữa bệnh viện bởi một cơn ác mộng, tôi hốt hoảng nhìn quanh. Bố tôi nằm đó yên lành, thở đều đặn, tựa như muốn nói với tôi rằng mọi thứ vẫn ổn, cơn ác mộng mà tôi vừa trải qua chỉ là một điều không có thật.
- Cậu vẫn nghe mình nói đấy chứ?
- Có – tôi giật mình.
- Thật không, mình đang kể về điều gì?
- Xin lỗi, mình vừa nghĩ mấy thứ – tôi thành thật.
- Ừm, mình hiểu – An xoay xoay một chiếc lá trong tay, tôi chẳng hiểu cậu ta lấy đâu ra thứ đó – Mẹ cậu ổn không?
- Mình không biết. Bề ngoài thì ổn – tôi thở dài – Mẹ đã đi làm lại, nhưng mẹ ít nói hơn trước, thi thoảng ngồi thần ra trước màn hình ti vi.
- Mình nghĩ… – An nói, bâng quơ nhìn vào cành cây khẳng khiu trước mặt – cậu nên dành thời gian cho mẹ. Không có ý gì cả, chỉ là cuối cùng thì không thể vì một người đã ra đi, mà cuộc sống của những người ở lại sẽ phải tệ hơn. Cậu hiểu ý mình chứ? Cậu nghỉ làm một đợt cũng được, mình sẽ nói với quản lý. Về nhà, ở cạnh mẹ cậu. Làm những việc cần phải làm.
Chúng tôi lại cùng im lặng một lúc, chờ cho một người đàn ông với chú chó to đi khuất về phía xa. Họ đã chạy ngang qua tôi hai lần.
- Khi mẹ mình mất, bố uống rượu cả năm trời. Nhưng ông không bao giờ về nhà trong tình trạng say xỉn, chỉ là mình ngửi thấy hơi rượu. Ông như một sinh vật đã hoàn toàn lạc lối trong cuộc đời. Không còn gì chờ đợi, không còn gì tiếc nuối, không còn yêu thương. Sau này nhớ lại, mình cảm giác khi đó ông không còn thiết tha cả sự tồn tại của bản thân, chứ đừng nói đến mình. Những bữa cơm tẻ nhạt không âm thanh kéo dài, những ngày tháng không có ai muốn đếm, những bộ quần áo vứt bừa bộn trong căn nhà dường như đã mất đi sự sống… Tất cả cứ diễn ra như thế, cho đến khi mình quyết định thay đổi nó…
- Thay đổi nó? Như thế nào?
- Đó lại là chuyện của mình và bố – An nở nụ cười hiếm hoi – Cậu sẽ phải tìm ra cách của riêng cậu. Ai cũng có một cuộc đời riêng phải sống, không thể dùng cách của người này áp dụng cho người kia được. Cậu phải cố lên thôi, chỉ là, phải cố hơn nữa.
Trong bóng tối, nước mắt tôi lại chảy ra từ khi nào, chỉ khi nó trôi qua gò má rơi xuống tay, tôi mới nhận ra mình đang khóc không thành tiếng. Khoảng không gian rộng lớn trước mặt bỗng trở nên vắng lặng, bỏ lại tôi và An ngồi, như hai chiếc cây nhỏ hoà mình vào đám lá cỏ ướt át. Nếu có một ai đó đứng ở trên cao nhìn xuống, hẳn họ sẽ nghĩ chúng tôi là những thực vật đang ngủ yên bình chờ đợi cơn mưa. Tôi hít một hơi dài, để luồng không khí trong lành tràn trong phổi, nhắm mắt lại xua đi cảm giác tệ hại đang xâm chiếm. An chạm vào tay tôi, ánh mắt cậu vẫn hướng về đâu đó phía trước, những ngón tay chỉ như muốn nói với tôi rằng hãy cứ khóc đi, nếu muốn…
Khi ngồi sau xe An sau đó trên đường về nhà, một khoảng lặng kéo dài trước khi tôi bất giác nói nhỏ:
- An, hãy nói với mình điều gì đó đi. Gì cũng được. Điều gì khiến mình cảm thấy tốt hơn.
An vẫn lái xe chầm chậm, rồi cậu hơi ngoảnh lại, thì thầm:
- Mình không hứa rồi tất cả rồi sẽ ổn, nhưng mình hứa dù mọi chuyện có tệ đến đâu, mình vẫn sẽ ở cạnh cậu. Chỉ vậy thôi.
MINH NHẬT
Bài viết liên quan !
Về Trang Chủ ›
Hình nền gái xinh ›
Người đẹp Ngọc Trinh ›
Hotgirl Hàn Quốc ›
Truyện teen hay ›
Tiểu thuyết ngôn tình ›
Truyện nhiều tập ›
Truyện tình cảm ›
Đọc truyện tình yêu ›
Truyện cười chọn lọc
Tải game android iphone ipad, Truyện ngắn tình yêu175/4229